Kể từ khi ra đời đến nay, do không chính danh nên Chi Phái Cao Đài 1997 đã rất nhiều lần thay danh xưng của mình. Tại thời điểm hiện nay, họ xưng danh mình là Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh.
Đây là một tổ chức có nhiều hành động tội phạm và đã gây nhiều hệ lụy đau khổ cho những người Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chơn truyền 1926.
Trong bài viết này, tác giả chỉ xin làm rõ sự vi phạm luật pháp rất nghiêm trọng của họ thông qua việc khai trừ gần 20 tín đồ ra khỏi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chơn truyền 1926 kể từ năm 2010 đến nay.
Để khẳng định điều này, trước hết chúng ta cần phải hiểu biết rằng Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh là một tổ chức có các hoạt động về tôn giáo. Họ được hình thành từ các thành phần là những tín đồ Cao Đài tha hoá. Trong khi đó, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời năm 1926 là một hệ thống niềm tin/đức tin với giáo lý và luật lệ khá rõ ràng để có thể phân biệt được với những hệ thống niềm tin tôn giáo khác. Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh ra đời năm 1997 do sự nhào nặn của chính quyền Việt Nam trong chiến lược dùng người có đạo để tấn công đạo mà vẫn che mắt được dư luận trong và ngoài nước. Nếu người Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926) tin vào sự hình thành nên giáo lý và hệ thống hành chính đạo bởi Cơ Bút và cũng dựa trên căn bản đó để sắc phong các chức sắc trong Đạo (còn được gọi là thiên phong) thì Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh lại phong chức và phân định ngôi thứ của những người quản lý hành chính đạo thông qua việc bắt các trái banh xanh, vàng và đỏ mà mọi người thường dùng từ phàm tục gọi đó là “banh phong”. Như vậy, Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây không còn mang bản chất của những người Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trong sự rộng mở thừa nhận lẫn nhau về tự do tư tưởng, niềm tin và tôn giáo thì có thể gọi họ như một tổ chức của một tôn giáo mới dựa vào một phần nền tảng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ 1926. Do đó, tên gọi đúng bản chất nhất dành cho tổ chức tôn giáo này nên là Chi Phái Cao Đài 1997 như người Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ 1926 thường dùng và ngày nay quốc tế cũng nhận diện họ qua tên gọi này.
Với tư cách là một hội của một nhóm người thì Chi Phái Cao Đài 1997 chỉ có quyền khai trừ bất cứ ai thuộc tổ chức của mình chứ không được phép khai trừ một người khác ra khỏi một tổ chức khác. Mặc dù thế, gần 20 tín đồ thuộc Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ 1926 đã bị tổ chức Chi Phái Cao Đài 1997 khai trừ. Đây là sự vô lý đến hiển nhiên.
Nhưng không chỉ vậy, trong các văn bản khai trừ, mặc dù tiêu thức họ tự nhận với tên gọi là Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh nhưng trong nội dung điều khoản thi hành thì họ ngang nhiên biến tên mình thành đại diện cho một danh xưng tôn giáo là Đạo Cao Đài. Như vậy, hành vi của họ là truất quyền tự do có một niềm tin tôn giáo của một người khác. Đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng phạm vào Điều 6 Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo hiện hành. Điều luật này của chính quyền Việt Nam ghi đầy đủ và thừa nhận rằng: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” Điều luật này phải được hiểu rằng, không ai có quyền cho người khác có hoặc không có một tôn giáo. Khai trừ một ai đó ra khỏi đạo của họ chính là sự vi phạm vào các điều cấm ghi ngay tại Điều 5 cũng của Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo. Hành vi đó là sự “cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo” và đương nhiên đó cũng là sự phỉ báng, kỳ thị và xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác.
Cũng cần phải nhắc lại hai sự kiện có tính tương phản về thái độ của hai quốc gia đối với tổ chức Chi Phái Cao Đài 1997. Thứ nhất là vào năm 2020, hai tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gồm ông Trần Ngọc Sương ở Tiền Giang và ông Trần Văn Thiệt ở Bình Dương đã nộp đơn khởi kiện tổ chức Chi Phái Cao Đài 1997 nhưng toà án Việt Nam đã không thụ lý và không nêu ra được lý do từ chối đơn kiện. Thứ hai là vào năm 2023, toà án Dallas, Tiểu Bang Texas, Hoa Kỳ đã ra phán quyết khẳng định Chi Phái Cao Đài 1997 là tổ chức tội phạm vì đã tấn công công dân Hoa Kỳ. Đây là minh chứng cho thấy rõ ràng chính quyền Việt Nam đang dung dưỡng cho tổ chức tội phạm này chà đạp lên chính luật do họ viết ra.
—