Chính quyền Việt Nam vi phạm luật quốc tế
Tự do tôn giáo chỉ được xác lập khi ba thành tố sau đây phải cùng được pháp luật thừa nhận và chịu nghĩa vụ bảo hộ:
Tự do lựa chọn cho riêng mình một niềm tin tôn giáo dựa trên ý niệm của riêng mình;
Tự do lập hội với những người có cùng niềm tin tôn giáo giống mình;
Hội (một nhóm hoặc cộng đồng) những người có cùng niềm tin tôn giáo phải được quyền xây dựng cơ sở tôn giáo của riêng mình để cùng nhau thực hành niềm tin tôn giáo ở chốn riêng tư của nhóm. Xa hơn nữa, hội này còn phải được sử dụng chốn công cộng một cách hợp lý chỉ để bày tỏ niềm tin tôn giáo của nhóm ra bên ngoài.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã tạo ra một hệ thống luật pháp xâm phạm và tự cho họ có quyền can thiệp vào cả ba thành tố vừa nêu ở trên. Đây là sự vi phạm rất nghiêm trọng quy định của luật quốc tế về quyền tự do tôn giáo của mọi người tại Điều 18 Công Ước Quốc tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc (ICPPR).
Thủ đoạn cướp chùa
Là một tổ chức tôn giáo, lẽ ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) phải tranh đấu cùng mọi người để buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi các điều luật vi phạm luật quốc tế.
Ngược lại, không những đã không tranh đấu cho tự do tôn giáo mà GHPGVN lại còn chủ động xây dựng chiến lược lợi dụng các quy định vi phạm công ước quốc tế này của chính quyền Việt Nam.
GHPGVN tuyên truyền quy định của pháp luật để thu phục các nhà tu hành và cộng đồng những người chung niềm tin với một nhà tu hành phải gia nhập tổ chức của họ.
Khi các nhà tu hành và các cộng đồng tôn giáo có nhu cầu xây dựng chùa sinh hoạt tôn giáo, GHPGVN lại tiếp tục nêu ra các quy định trái luật quốc tế của chính quyền Việt Nam trong việc không cho phép ai xây dựng cơ sở tôn giáo tư nhân hoặc của nhóm hội tôn giáo chưa được chính quyền thừa nhận. Từ đó, họ hướng dẫn các nhà tu hành và cộng đồng tôn giáo chủ động hiến tặng đất và xây dựng chùa dưới danh nghĩa tài sản thuộc tổ chức của họ. Họ phỉnh phờ lừa gạt rằng, dù chùa có mang tên của họ nhưng vẫn là tài sản do nhà tu hành quản lý và cộng đồng tôn giáo địa phương sử dụng. Do vậy, ai cũng tin tưởng rằng họ là người tốt đang giúp đỡ mình lách luật để xây dựng được chùa tư nhân núp bóng dưới tên tổ chức tôn giáo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!
Khi đã xây dựng xong chùa và hoạt động ổn định, GHPGVN mới hiện nguyên hình là tổ chức kinh doanh tôn giáo. Họ tìm mọi cách để biến các tăng sĩ thành những kẻ gạt lừa tín đồ với các bài giảng xuyên tạc về cúng dường. Mối quan hệ của GHPGVN và các tăng sĩ lúc này chỉ là quan hệ tiền bạc và mệnh lệnh hành chính của tổ chức quyền lực với cấp dưới. Ngoài ra, họ cũng ép buộc giới tăng sĩ phải nhất nhất tuân phục chính quyền Việt Nam – kẻ đang tạo ra thứ pháp luật bảo kê cho sự tồn tại của chính họ. Hễ một vị sư nào làm trái ý họ thì sẽ bị họ trừng phạt, làm nhục bằng hệ thống báo chí truyền thông của chính quyền Việt Nam. Với những vị tăng sĩ chân chính, sự rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là cách duy nhất để giữ phẩm giá của mình nhưng buộc phải từ bỏ tất cả những tài sản mà mình và tín đồ đã tạo dựng. Bởi vì về mặt pháp lý những tài sản này đang thuộc sở hữu của GHPGVN. Không chỉ vậy, giá phải trả lớn hơn đó là toàn bộ phật tử sẽ bơ vơ không người nâng đỡ tinh thần nên buộc phải chấp nhận sinh hoạt tôn giáo theo sự sắp đặt của GHPGVN và chính quyền địa phương.
Bằng thủ đoạn lường gạt này, mới đây, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã cướp thành công cơ sở tôn giáo Tu Viện Minh Đạo do Thượng Tọa Thích Minh Đạo và các phật tử cùng nhau xây dựng mà không gặp phải bất kỳ sự khó khăn nào.
Nâng cao cảnh giác
Trước hết, cần phải nhận thức rằng tự do tôn giáo là nhân quyền của mỗi con người. Không một chính quyền nào có quyền ban phát cho ai quyền tự do tôn giáo. Chẳng có tổ chức tôn giáo nào hoạt động dưới sự cho phép của chính quyền lại có khả năng bảo vệ được quyền này cho mình khi kẻ xâm phạm chính là chính quyền. Vì vậy, mỗi chúng ta hay mỗi cộng đồng tôn giáo vì sự tự do của mình và vì quyền của mình đã được luật quốc tế thừa nhận nên cứ việc nhóm lại với nhau sinh hoạt tôn giáo theo ý mình mong muốn.
Quan hệ giữa các tăng sĩ và các phật tử với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là một quan hệ dân sự. Đặc trưng của mối quan hệ này là sự bình đẳng, bình quyền, tự nguyện và tự thoả thuận với nhau trước khi đặt mối quan hệ. Vì vậy, nếu vẫn muốn thử tham gia vào GHPGVN thì hãy chọn hình thức liên danh. Cần phải có một hợp đồng thoả thuận ghi rõ quyền tài sản và quyền sở hữu tài sản của mình khi tham gia và khi chấm dứt tham gia. Trong trường hợp muốn tham gia dưới hình thức sáp nhập thì đề nghị GHPGVNphải chịu nghĩa vụ xây chùa cho một nhóm thành viên có nơi chốn để sinh hoạt tập trung. GHPGVN có thể xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng của họ hoặc do chính quyền cấp. Tuyệt đối không hiến tặng quyền sử dụng đất của mình để xây chùa dưới danh nghĩa của họ. Thực hiện được điều cốt lõi này thì khi ngừng tham gia trong tổ chức của họ, mọi người vẫn giữ được đất của mình và có căn cứ để buộc họ phải phá dỡ các công trình đã xây dựng trên đất của mình.
Toán Pháp Lý của BPSOS chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các nhà tu hành và các cộng đồng phật tử đã lỡ tham gia vào Giáo Hội Phật Việt Nam xem xét lại các thoả thuận với tổ chức lừa đảo này. Đây là cơ hội sau cùng để tránh bị GHPGVN cướp chùa và tài sản của mình trong tương lai như vị Thượng Tọa Thích Minh Đạo mới đây. Qua đây, Toán Vận Động Quốc Tế của BPSOS chúng tôi cũng muốn thu thập và cung cấp cho quốc tế các dữ liệu đầy đủ hơn về chân dung của tổ chức lừa đảo đội lốt tôn giáo này.
Mọi thông tin cung cấp cho chúng tôi, xin quý vị gửi về email sau đây: dean-phatgiao@vncrp.org